Đọc thêm - Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp 1946 – 1950

Cập nhật lúc: 11:00 24-01-2017 Mục tin: Lịch Sử Lớp 12


Bài viết cung cấp những thông tin thêm xoay quanh bài học "Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp 1946 – 1950". Bài viết giúp các em hiểu thêm về đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng giai đoạn 1946 -1954

Bài 18: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc

chống thực dân Pháp 1946 – 1950

Đọc đoạn tư liệu bên dưới và trả lời câu hỏi:

“… Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…

Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên chống thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”.

(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, SKG Lịch sử lớp 12, tr.131)

“… cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc, là chiến tranh hợp chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ…”.

(Kháng chiến nhất định thắng lợi: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam (Trường Chinh), Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội, 1975, tập II, tr.28)

           Đoạn tư liệu được trích ra đời trong hoàn cảnh nào?

           Bằng những kiến thức đã học và qua 2 đoạn tư liệu, em hãy đánh giá về đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và nhân dân ta?

Em hiểu thế nào là “dựa vào sức mình là chính” trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay?

 

GỢI Ý TRẢ LỜI

1. Hoàn cảnh ra đời đoạn tư liệu:

-Sau  Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946:

+ Đảng và nhân dân ta chấp hành nghiêm chỉnh đồng thời tranh thủ thời gian để chuẩn bị lực lượng đề phòng bất trắc phải kháng chiến chống Pháp lâu dài

+ Thực dân Pháp bội ước và tấn công nước ta:

Sau 6/3/1946, Pháp mở cuộc tiến công nước ta ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ

 Ở Bắc Bộ, 11/1946 quân Pháp khiêu khích và tiến công ta ở Hải Phòng, Lạng Sơn

Ở Hà Nội, quân Pháp ném bom và bắn lựu đạn ở nhiều nơi: nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền, cơ quan Bộ tài Chính…

- 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính phủ ta giải tán lực lượng, nếu không chậm nhất là sáng 20/12/1946 chúng sẽ hành động

- 12/12/1946, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến

- Hội nghị bất thường Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ 18 đến 19/12/1946, quyết định phát động cả nước kháng chiến

- 20 giờ, 19/12/1946 công nhân nhà máy Yên Phụ (Hà Nội) phá máy, mở đầu cho cuộc tiến công

=> “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” cùng với “Kháng chiến nhất định thắng lợi” ra đời trước hành động ngang ngược của thực dân Pháp. Đồng thời giống như lời thúc giục của non sông, hiệu triệu trái tim yêu nước, soi đường cho nhân dân ta đứng lên chống giặc cứu nước

2. Đánh giá đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và nhân dân ta. Ý kiến của bản thân về luận điểm “dựa vào sức mình là chính” trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay

-        Đường lối kháng chiến của Đảng và nhân dân được thể hiện trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, được giải thích cụ thể trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh: Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế

- Kháng chiến toàn dân: xuất phát từ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ quan điểm “CM là sự nghiệp của quần chúng”của Chủ nghĩa Mác-Lênin, từ tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch  Hồ Chí Minh....Cuộc kháng chiến này nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhân dân nên phải do dân làm; có lực lượng  toàn dân tham gia mới thực hiện được kháng chiến toàn diện và tự lực cánh sinh .

- Kháng chiến toàn diện: Do địch đánh ta toàn diện nên ta phải chống lại toàn diện. cuộc kháng chiến của ta bao gồm cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục ngoại giao ... nhằm phát huy khả năng của mỗi người trên từng lĩnh vực, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Đồng thời ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tức là xây dựng chế độ mới nên phải kháng chiến toàn diện.

-Kháng chiến lâu dài : So sánh lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chênh lệch, địch mạnh hơn  ta nhiều về mọi mặt, ta chỉ hơn địch về tinh thần và chính nghĩa. Do đó ta phải có thời gian để chuyển hóa lực lượng làm cho địch yếu dần, phát triển lực lượng của ta , tiến lên đánh bại kẻ thù.

-Kháng chiến tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế: Mặc dù rất coi trọng thuận lợi và sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng vận mệnh của dân tộc ta phải do nhân dân ta quyết định, phải dựa vào sức mạnh của ta, sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là điều kiện hỗ trợ thêm vào.

=> Khẳng định đường lối đó là đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam thể hiện sự lãnh đạo tài tình, khéo léo, nhạy bén, linh hoạt của Đảng ta vì:

+ Xét về tương quan lực lượng ta yếu hơn địch: vũ khí, thể lực. Kháng chiến toàn dân sẽ tăng sức mạnh của dân tộc.

+ Âm mưu của địch luôn là đánh nhanh, thắng nhanh để kết thúc chiến tranh còn ta luôn phải đánh lâu dài để vừa đánh vừa tiêu hao lực lượng địch, phát triển lực lượng của ta, đợi thời cơ để địch suy yếu hẳn ta mới đánh bại được chúng.

+ Kháng chiến ở Việt Nam đi liền với kiến quốc: Lịch sử Việt Nam phải đối mặt với nhiều kẻ thù.

+ Kháng chiến dựa vào sức mình là chính vì chỉ có ta mới có thể giải phóng cho cho ta “thà hi sinh chứ nhất định không chịu mất nước”. “Lấy sức ta mà giải phóng cho ta” là quan điểm xuyên suốt trong tiến trình cách mạng của nhân dân ta do Đảng lãnh đạo. Đây là con đường duy nhất đúng để phát huy tiềm năng vốn có của dân tộc: truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường.

+ Sức mạnh nội sinh được khơi dậy thì sự giúp đỡ bên ngoài mới được phát huy. Hơn nữa, dựa vào sức mình thì sẽ không trông chờ, ỷ lại.

+ Cuộc kháng chiến của Việt Nam là “chính nghĩa” (Trường Chinh) để giành độc lập dân tộc nên nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

-        Thắng lợi trong cuộc chiến đấu ở các đô thi phía Bắc vĩ tuyến 16 (1946), chiến dịch Việt Bắc Thu Đông (1947), Biên giới Thu Đông (1950)… Đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) càng khẳng định con đường đi của cách mạng Việt Nam là đúng đắn và Kháng chiến Việt Nam nhất định thắng lợi

=>     Đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế là một thể thống nhất có liên quan mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau và không thể tách dời. Đường lối kháng chiến đó tiếp tục được bổ sung trong suốt quá trình của cuộc kháng chiến, có ý nghĩa quyết định đối với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau đó

* Trong thời kì mà “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” hay cụ thể hơn là vấn đề biển Đông trong thời gian vừa qua đòi hỏi Việt Nam phải dựa vào sức mạnh tiềm lực của chính bản thân mình để giải quyết vấn đề tranh chấp tuy nhiên vẫn cần dựa trên sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đây là quan điểm luôn đúng trong mọi thời kì

Muốn dựa vào sức mình cần:

+ Tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia

+ Đảm bảo chính trị, an ninh quốc phòng

+ Tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Đồng thời cần tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trên mọi phương diện

 

                                                           HẾT 

Thực hiện: Bùi Thị Thu Hoài

Ban chuyên môn Tuyensinh247.com

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

Luyện Bài tập trắc nghiệm môn Lịch Sử 12 - Xem ngay

Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021