Đọc thêm vấn đề Toàn cầu hóa

Cập nhật lúc: 15:00 23-03-2017 Mục tin: Lịch Sử Lớp 12


Bản chất của toàn cầu hoá và những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hoá. Vì sao toàn cầu hoá vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển? Bài viết sẽ cung cấp cho các em các kiến thức cần thiết để trả lời được câu hỏi này

TOÀN CẦU HÓA

Câu hỏi: Bản chất của toàn cầu hoá và những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hoá. Vì sao toàn cầu hoá vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển?

Trả lời:

1. Bản chất (Khái niệm)

 Toàn cầu hoá là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.

2. Biểu hiện:

-  Sự phát triển nhanh chóng của quan hệ thương mại quốc tế.

- Sự phát triển và tác động to lớn của các công ty xuyên quốc gia.

-  Sự sáp nhập hợp nhất các công ty thành những tập đoàn khổng lồ.

- Sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực.(IMF,WTO,EU....)

3. Tác động:

- Tích cực:

 + Thúc đẩy nhanh và mạnh sự phát triển và xã hội hóa của lực lượng sản xuất, mang lại sự tăng trưởng cao.

+ Góp phần chuyển biến cơ cấu kinh tế.

 + Đặt ra các yêu cầu phải cải cách sâu rộng  để nâng cao cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế.

- Hạn chế:

+ Gia tăng bất công xã hội và hố ngăn cách giàu nghèo trong từng nước, giữa các nước.

+ Làm cho mọi hoạt động và đời sống con người kém an toàn hơn.

+ Tạo ra nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc và độc lập tự chủ quốc gia.

   Tuy nhiên, toàn cầu hoá là xu thế tất yếu không thể đảo ngược; vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia, dân tộc.

4. Thời cơ và thách thức đối với các nước đang phát triển

- Về thời cơ:

+ Từ sau Chiến tranh lạnh, hòa bình thế giới được củng cố, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi. Xu thế chung của thế giới là hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.

+ Các quốc gia đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển và lấy kinh tế làm trọng điểm, cùng sự tăng trưởng hợp tác và tham gia các liên minh kinh tế khu vực và quốc tế.

+Các nước đang phát triển có thể khai thác các nguồn vốn đầu tư, kĩ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lí từ bên ngoài, nhất là các tiến bộ khoa học-kĩ thuật để có thể: “đi tắt đón đầu” rút ngắn thời gian xây dựng và phát triển đất nước…

Như vậy, bối cảnh chung của thế giới là có nhiều cơ hội và thuận lợi cho các nước trong công cuộc phát triển đất nước. Vấn đề là có tầm nhìn và nắm bắt kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ.

-Về thách thức:

+ Hội nhập là điều không thể tránh khỏi, nhưng đòi hỏi phải có sự nhận thức tìm ra con đường đúng đắn để phát triển lợi thế, nếu không sẽ dễ rơi vào những sai lầm, rủi ro.

+ Điểm xuất phát của các nước đang phát triển thường rất thấp, trình độ phát triển thấp, nguồn nhân lực hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém cho nên hòa nhập vào thế giới là điều khó khăn. Nó tạo ra nguy cơ tụt hậu cho các nước đang phát triển nếu bỏ lỡ cơ hội.

+ Sự cạnh tranh gay gắt của thị trường thế giới, của các quan hệ kinh tế còn nhiều bất bình đẳng, gây thiệt hại cho các nước đang phát triển.

+ Vấn đề sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay. Sử dụng nguồn vốn nước ngoài thì phải tính đến hậu quả, chống thất thoát.

+ Vấn đề giữ gìn, bảo vệ bản sắc bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, nguy cơ về ô nhiễm môi trường...

Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung đó, Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định : “Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ trong thời kì mới, đó là vấn đề sống còn của Đảng và nhân dân ta”.

 

                                                           HẾT 

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

Luyện Bài tập trắc nghiệm môn Lịch Sử 12 - Xem ngay

Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021