Cập nhật lúc: 11:10 18-01-2017 Mục tin: Lịch Sử Lớp 12
Xem thêm: Đọc thêm
MỘT SỐ THUẬT NGỮ, KHÁI NIỆM LỊCH SỬ CẦN NẮM VỮNG
PHẦN LỊCH SỬ VIỆT NAM 1919-2000
1. Chia để trị:
Là chính sách gây chia rẽ giữa các dân tộc, địa phương, tầng lớp... để dễ thông trị (một chính sách thường dùng của chủ nghĩa thực dân).
2. Chi bộ:
Tổ chức cơ sở của một chính đảng. Trước kia, chi bộ còn có nghĩa là tổ chức đảng cộng sản của một nước trong hệ thống tổ chức cộng sản quốc tế. Chi bộ đảng cộng sản Việt Nam là đơn vị tổ chức trực tiếp nối liền đảng với quần chúng, được thành lập theo địa bàn dân cư hoặc theo đơn vị sản xuất, công tác. Nhiệm vụ của các chi bộ là giáo dục, rèn luyện, quản lí và kiểm tra công tác của đảng viên, kết nạp đảng viên mới, thi hành kỉ luật đảng viên, lãnh đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi địa bàn dân cư hoặc đơn vị sản xuất, công tác.
3. Đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp:
Phương pháp, hình thức đấu tranh trong khuôn khổ pháp luật của giai cấp thống trị, công khai hoặc nửa công khai, nhắm từng bước đạt mục tiêu cuối cùng là lật đổ chế độ cũ, lập chế độ xã hội mới tiến bộ hơn.
4. Đấu tranh không hợp pháp:
Phương pháp, hình thức đấu tranh công khai hay bí mật ngoài khuôn khổ luật pháp của giai cấp thống trị.
5. Đấu tranh nghị trường:
Phương pháp, hình thức đấu tranh trong phạm vi các cơ quan dân cử, cơ quan đại diện như quốc hội, hội đồng dân biểu. Các đảng cách mạng sử dụng phương thức đấu tranh nghị trường (tranh cử vào các cơ quan dân cử) song không xem đây là hình thức chủ yếu duy nhất để đạt mục tiêu cuối cùng.
6. Thuyết Đại Đông Á:
Chủ trương của quân phiệt Nhật trong việc thành lập “khu vực Đại Đông Á thịnh vượng chung” trong chiến tranh thế giới thứ hai, với những lời hứa hẹn về “độc lập”, “giải phóng”, “thịnh vượng” cho các dân tộc trong khu vực. Thực chất là một âm mưu thành lập một khu vực thuộc địa của Nhật Bản để khai thác, vơ vét tài nguyên thiên nhiên, phục vụ cho quân phiệt Nhật.
7. Chính phủ:
Cơ quan lãnh đạo hành pháp cao nhất của một nước thường do thủ tướng đứng đầu và có nhiều bộ trưởng.
8. Chính phủ lâm thời:
Chính phủ được thành lập trong thời gian trước khi thành lập chính phủ chính thức theo hiến pháp.
9. Du kích:
Một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân địa phương tổ chức, vừa sản xuất vừa bảo vệ trị an và chiến đấu khi giặc ngoại xâm đến địa phương.
10: Khởi nghĩa từng phần:
Cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng nổ ra ở từng vùng, theo đường lối, kế hoạch chung, giành chính quyền và thiết lập chính quyền cách mạng ở địa phương, kết hợp với chiến tranh du kích cục bộ, phát triển thành.
11‘‘Nam tiến’’:
Phong trào của thanh niên Bắc xung phong vào Nam cùng sát cánh với nhân dân Nam Bộ đánh Pháp để giải phóng quê hương
12. Vành đai trắng:
Vùng xung quanh nơi quân giặc chiếm đóng, bị chúng đốt phá, rồi xua đuổi nhân dân đi để ngăn ngừa không bị tấn công và bảo vệ an toàn căn cứ của mình. Sau thất bại trong chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950, Pháp đã đề ra kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi gồm 4 điểm chính, trong đó có chú trọng đến xây dựng phòng tuyến công sự xi măng cốt sắt, thành lập “vành đai trắng” bao quanh trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
13: Hậu phương kháng chiến:
Vùng được giải phóng của một nước có nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ với chiến trường, làm cơ sở cung cấp sức mạnh về vật chất, quân sự và cổ vũ tinh thần cho lực lượng chiến đấu ngoài mặt trận. Ở nước ta, hậu phương kháng chiến hình thành từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), sau đó tiếp tục được hình thành cao hơn trong kháng chiến chống Mĩ. Thắng lợi của ta trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ một phần là nhờ có hậu phương vững chắc.
14: Cuộc tiến công chiến lược:
Việc mở các chiến dịch có quy mô lớn để phá tan âm mưu, kế hoạch lớn của đối phương, giành thắng lợi nhất định về mặt quân sự và tạo thuận lợi trên bàn đàm phán.
15: Chiến lược “ Chiến tranh đặc biệt”
Là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân mới ,được tiến hành bằng quân đội Sài Gòn , dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, được Mĩ trang bị về kĩ thuật và phương tiện chiến tranh.
16. Chiến tranh cục bộ:
Một loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc (tiêu biểu là Mĩ), nhưng tự hạn chế về khu vực, mục tiêu, quy mô và lực lượng. Cuộc “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ ở miền Nam nước ta tiến hành từ giữa năm 1965 đến cuối năm 1968 (từ khi Mĩ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” đến sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân dân ta) được tiến hành bằng lực lượng không quân viễn chinh Mĩ (giữ vai trò quan trọng và ngày càng tăng lên về số lượng, trang thiết bị, lúc cao nhất là hơn nửa triệu quân), quân chư hầu (lúc cao nhất là 70.000, gồm các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin, ….) và quân ngụy tay sai.
17. “Tìm diệt và bình định”:
Chiến lược chiến tranh xâm lược, do tướng Oétmolen – Tư lệnh quân đội Mĩ ở miền Nam Việt Nam khởi xướng, được Tổng thống Giônxơn chuẩn y ngày 17/7/1965, ra đời sau sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt và bình định” là xương sống của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, được thực hiện bằng việc đưa quân Mĩ và chư hầu trực tiếp tham chiến, hi vọng dùng sức mạnh quân sự đè bẹp quân giải phóng Việt Nam trong một thời gian ngắn nhất. Chiến lược “tìm diệt và bình định” có hai mục tiêu: Tập trung quân tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta ở miền nam; ra sức “bình định nông thôn” để càn quét cơ sở chính trị của ta. Đồng thời, để bảo đảm cho việc “tìm diệt”, Mĩ tăng cường phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân để uy hiếp trực tiếp hậu phương chiến tranh của miền Nam, làm lung lay lòng quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta.
Trên thực tế, hàng loạt chiến dịch “tìm diệt” của Mĩ – Ngụy trong hai mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967 đều bị quân dân ta bẻ gãy; kế hoạch “bình định” ấp chiến lược cũng bị triệt phá.
17: Vùng đất thánh (của Việt cộng):
Vùng căn cứ, cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động cho một lực lượng nào đó. Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, Mĩ coi căn cứ của Quân giải phóng ở Vạn Tường (Quảng Ngãi) kiểm soát, nắm giữ là “vùng đất thánh” của Việt cộng. Vì thế, Mĩ đã huy động lực lượng quân Mĩ, chư hầu và quân đội tay sai liên tiếp mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô bằng hàng loạt các cuộc hành quân “tìm diệt và bình định”. Ngày 18/8/1965, Mĩ mở cuộc hành quân vào thôn Vạn Tường, nhưng quân Mĩ, chư hầu và quân đội tay sai đã bị thất bại nặng nề. Chiến thắng Vạn Tường được coi là “Ấp Bắc” đối với Mĩ, mở đầu cho cao trào “Tìm Mĩ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” trên toàn miền Nam.
18. “Phi Mĩ hóa” chiến tranh:
Một kiểu chiến tranh của đế quốc Mĩ được đề ra trong “Học thuyết Níchxơn” với công thức: vũ khí, trang bị mạnh của Mĩ (thông qua hình thức “viện trợ”) cộng với lực lượng quân đội tay sai dưới sự chỉ huy của cố vấn Mĩ, nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Ở miền Nam nước ta, sau một thời gian thi hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị thất bại nặng nề, lại bị nhân dân trong nước phản đối nên Mĩ áp dụng hình thức “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực chất là tiếp tục âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”, nhằm giảm bớt sự chết chóc cho quân đội Mĩ. Nhưng sau cuộc Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam của quân và dân ta, Mĩ đã “Phi Mĩ hóa” trở lại bằng việc dùng không quân ném bom, bắn phá Thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng, âm mưu đưa miền Bắc Việt Nam “trở về thời kì đồ đồng, đồ đá”. Cuối cùng, âm mưu “Phi Mĩ hóa” của Mĩ đã thất bại sau trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972.
19. Sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”:
Sự kiện do Mĩ dựng lên để lấy cớ ném bom, bắn phá miền Bắc, đồng thời đưa quân trực tiếp vào xâm lược miền Nam nước ta. Theo đó, ngày 31/7/1964, tàu khu trục Mađốc của Mĩ tiến vào khu vực phía Nam đảo Cồn Cỏ (Vĩnh Linh) để do thám và uy hiếp ta dọc bờ biển, rồi cho máy bay Mĩ từ Lào sang bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn, bản Noọng Dẻ nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam (thuộc địa phận Nghệ An – Hà Tĩnh). Ngày 2/8/1964, Mĩ lại đưa tàu khu trục Mađốc vào sâu hải phận nước ta ở vùng biển giữa đảo Hòn Mê và Lạch Trường (Thanh Hóa). Ta liền cho tàu phóng lôi ra tiến công đánh đuổi.
Lấy cớ đó, ngày 4/8/1964, Mĩ đưa tin qua các phương tiện thông tin đại chúng rằng tàu khu trục Mađốc của Mĩ bị hải quân Bắc Việt Nam tấn công hai lần ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ thuộc hải phân quốc tế, rồi cho không quân ném bom bắn phá miền Bắc từ ngày 5/8/1964.
20: “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh”:
Một loại chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mĩ tiến hành ở Việt Nam, sau đó mở rộng ra cả ba nước Đông Dương (1969 – 1975). Thực hiện chiến lược này, Mĩ muốn giảm dần sự tham gia trực tiếp của quân viễn chinh Mĩ và chư hầu trên chiến trường miền Nam, giảm bớt sự thương vong cho quân Mĩ, chư hầu, thay vào đó là quân đội Ngụy quyền và tay sai. Thực chất của âm mưu này là “dùng người Việt đánh người Việt, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”. Đây cũng là chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới cuối cùng của Mĩ ở miền Nam Việt Nam.
21. Trận “Điện Biên phủ trên không”: Trận đánh tiêu diệt không lực Hoa Kì trên bầu trời Hà Nội và cảng Hải Phòng của lực lượng vũ trang phòng không, không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 (từ ngày 18 đến ngày 29). Trong trận đánh này, quân dân ta đã đập tan cuộc tập kích bằng chiến lược B52 lớn nhất của Mĩ, tiêu diệt 81 máy bay (trong đó có 34 chiếc B52 và 5 chiếc F111 – cánh cụp, cánh xòe). Đây là thắng lợi quân sự quyết định (giành được trong trận chiến đấu trên không), buộc Mĩ phải chính thức kí Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh ở và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trận thắng có ý nghĩa như chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ 1954 về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
22. Chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”:
Là việc liên tiếp mở các cuộc hành quân “bình định – lấn chiếm” đất đai ở vùng giải phóng. Sau khi kí Hiệp định Pari (27/1/1973), Mĩ phải rút hết quân Mĩ và quân đồng minh của Mĩ về nước, nhưng họ vẫn viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, âm mưu “bình định, lấn chiếm” vùng giải phóng của ta. Đây thực chất là hành động tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” dưới sự chỉ huy từ xa của Mĩ.
23. “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào”:
Là khẩu hiệu đánh Mĩ và lật đổ chính quyền Sài Gòn của cách mạng miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đổi thành Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Với Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhiệm vụ “đánh cho Mĩ cút” của chúng ta đã hoàn thành, nhưng “ngụy vẫn chưa nhào”. Vì thế, ngay sau khi “Mĩ cút”, nhân dân ta tích cực chuẩn bị về thế và lực để nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sự kiện chiến thắng ngày 30/4/1975 được coi là mốc kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc (1954 –1975), chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho ngụy nhào”.
24. Chiến dịch Hồ Chí Minh:
Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được Bộ Chính trị quyết định đổi tên thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, nhằm khuyến khích, động viên quân dân ta mở cuộc tiến công địch với khí thế thần tốc “một ngày bằng 20 năm” để nhanh chóng giải phóng miền Nam, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
25. Cải tạo xã hội chủ nghĩa:
Cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất nhằm hạn chế đi đến xóa bỏ sự bóc lột kiểu tư bản chủ nghĩa, đưa nền sản xuất nhỏ, riêng lẻ của nông dân và thợ thủ công cá thể phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa. Cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa gắn bó với nhau, là sự nghiệp lâu dài, phải tiến hành từng bước không nôn nóng chủ quan.
26. Quá độ:
Thời kì chuyển tiếp từ một chế độ xã hội cũ sang chế độ xã hội mới đang hình thành thắng lợi: thời kì quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội.
27. Nạn kiều:
Vào những năm 1976 -1979 số lượng người Hoa ở Việt Nam về nước tăng nhanh. Trung Quốc gọi đó là “nạn kiều” và lợi dụng điều đó để gây xung đột ở biên giới phía Bắc nước ta.
28. Đổi mới :
Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam được ĐH lần thứ VI (12/1986) của Đảng thông qua. Việc đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, tiến hành trên mọi mặt, nhằm xác định con đường đi lên CNXH đúng đắn có hiệu qu, trước mắt giữ vững ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống toàn diện của nhân dân, bảo vệ độc lập và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa được lựa chọn.
29. Kinh tế hàng hóa:
Nền kinh tế sản xuất ra các sản phẩm chủ yếu để tiêu thụ ở thị trường. Xuất hiện từ rất sớm khi thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp.
30. Kinh tế thị trường:
Nền kinh tế sản xuất hàng hóa phục vụ cho thị trường tự do hay có điều tiết (dưới chế độ xã hội chủ nghĩa)
HẾT
Thực hện: Bùi Thị Thu Hoài
Ban chuyên môn Tuyensinh247.com
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021