Cập nhật lúc: 15:00 20-02-2017 Mục tin: Lịch Sử Lớp 12
Xem thêm: LỊCH SỬ VIỆT NAM (1919 - 2000)
Bài 22
NHÂN DÂN HAI MIỀN TRỰC TIẾP CHIẾN ĐẤU
CHỐNG ĐẾ QUỐC MĨ XÂM LƯỢC. NHÂN DÂN MIỀN BẮC
VỪA CHIẾN ĐẤU VỪA SẢN XUẤT (1965 – 1973)
PHẦN II
I. Chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ ở miền Nam (1965 – 1968).
II. Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ, vừa sản xuất và làm nghĩa vụ hậu phương (1965 – 1968)
1. Mĩ tiến hành chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc
- Sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (8/1964), Mĩ cho máy bay bắn phá 1 số nơi ở miền Bắc.
- Ngày 7/2/1965, Mĩ chính thức gây ra cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
- Âm mưu:
+Phá tiềm lực kinh tế - quốc phòng, phá công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc.
+ Ngăn chặn chi viện từ bên ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam.
+ Uy hiếp tinh thần, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
2. Miền Bắc vừa chiến đấu, vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa sản xuất và làm nghĩa vụ hậu phương
a. Miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại (Đọc thêm)
- Chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, quân sự hóa toàn dân, đắp công sự, đào hầm, sơ tán... để tránh thiệt hại về người và của, tiếp tục chiến đấu và sản xuất. Hễ địch đến là đánh, ai không trực tiếp chiến đấu thì phục vụ sản xuất.
- Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân dân miền Bắc thi đua chống Mỹ, đạt nhiều thành tích lớn trong chiến đấu và sản xuất. Sau hơn 4 năm (5.08.1964 - 01.11.1968), miền Bắc bắn rơi 3.243 máy bay (6 B52, 3 F111), loại khỏi vòng chiến hàng ngàn phi công, bắn chìm 143 tàu chiến. Ngày 1/11/1968, Mỹ buộc phải ngưng ném bom miền Bắc.
b. Miền Bắc vừa sản xuất vừa làm nghĩa vụ hậu phương
* Sản xuất
- Nông nghiệp: diện tích canh tác được mở rộng, năng suất tăng, đạt “ba mục tiêu” (5 tấn thóc, 2 đầu lợn, 1 lao động/1ha/1 năm).
- Công nghiệp: năng lực sản xuất ở một số ngành được giữ vững, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống.
- Giao thông vận tải: đảm bảo thường xuyên thông suốt.
* Làm nghĩa vụ hậu phương
- Miền Bắc luôn hướng về miền Nam ruột thịt, phấn đấu “mỗi người làm việc bằng hai”. Vì tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp lại: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
- Tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển bắt đầu khai thông (tháng 5.1959), nối liền hậu phương với tiền tuyến. Trong 4 năm (1965 - 1968) đưa hơn 30 vạn cán bộ, bộ đội vào Nam chiến đấu và xây dựng vùng giải phóng, cùng hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men…, tăng gấp 10 lần so với trước.)
* Ý nghĩa:
Góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mĩ, đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ bước sang giai đoạn mới.
III. Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mĩ (1969-1973)
1. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mĩ
* Âm mưu:
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa” và “Đông Dương hóa” chiến tranh.
- Đây là hình thức chiến tranh thực dân kiểu mới được tiến hành bằng quân đội Sài Gòn là chủ yếu, có sự phối hợp của hỏa lực và không quân Mỹ, vẫn do cố vấn Mỹ chỉ huy.
- Thực chất là tiếp tục thực hiện âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt”, để giảm xương máu người Mỹ trên chiến trường.
- Mở rộng xâm lược Lào và Campuchia, thực hiện âm mưu “Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.
- Mỹ tăng viện trợ giúp quân số ngụy tăng lên 1 triệu người cùng với trang thiết bị hiện đại để quân ngụy tự gánh vác được chiến tranh.
* Thủ đoạn và hành động:
- Mĩ sử dụng quân đội Sài Gòn để mở các cuộc hành quân xâm lược Campuchia và tăng cường chiến tranh với Lào => chiến tranh lan ra toàn Đông Dương.
- Dùng ngoại giao thỏa hiệp với Liên Xô và Trung Quốc để cô lập cách mạng Việt Nam với thế giới
2. Chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Đông Dương hóa chiến tranh” của Mĩ.
* Mặt trận chính trị, ngoại giao:
- Ngày 6/6/1969, Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam VN được thành lập, có 23 nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao.
- Tháng 4/1970, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương họp, biểu thị quyết tâm của ba nước Đông Dương trong đoàn kết chống Mĩ.
* Trên mặt trận quân sự:
- Từ 30/4 đến 30/6/1970, quân đội Việt Nam và Campuchia chiến đấu đập tan cuộc hành quân xâm lược của 10 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn.
- Từ 12/2 đến 23/3/1971, quân đội Việt Nam và Lào chiến đấu đập tan cuộc hành quân mang tên “Lam Sơn – 719” của 4,5 vạn Mĩ và quân đội Sài Gòn.
* Phong trào chống “bình định”, phá “ấp chiến lược” ở các vùng nông thôn, rừng núi, đô thị diễn ra mạnh mẽ, giành quyền làm chủ thêm hàng nghìn ấp.
3. Cuộc Tiến công chiến lược xuân – hè năm 1972:
- 30/3/1972: quân ta bất ngờ mở cuộc tiến công chiến lược, đánh vào Quảng Trị, lấy Quảng Trị làm hướng tấn công chủ yếu, rồi phát triển rộng khắp miền Nam.
- Cuối 6/1972 ta chọc thủng ba phòng tuyến Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, diệt 20 vạn quân Sai gòn, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.
- Sau đó, địch phản công mạnh, gây cho ta nhiều thiệt hại. Mỹ tiến hành trở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc.
- Kết quả, quân ta đã chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.
- Ý nghĩa:
+ Giáng đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh.
+Buộc Mỹ phải tuyên bố “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh (tức thừa nhận sự thất bại của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh).
HẾT
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021