Cập nhật lúc: 15:00 04-03-2017 Mục tin: Lịch Sử Lớp 12
Xem thêm: LỊCH SỬ VIỆT NAM (1919 - 2000)
Bài 25
VIỆT NAM XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
VÀ ĐẤU TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC (1976 - 1986)
A. MỤC TIÊU
Học xong bài này, học sinh cần nắm được:
- Hiểu được, sau Đại thắng mùa xuân 1975 Việt Nam hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, cả nước chuyển sang giai đoạn mới - đi lên CNXH, đó là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
- Nắm vững nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, những thành tựu và hạn chế của ta trong hai kế hoạch 5 năm (1976 – 1980) và (1981 – 1985).
- Chúng ta tiếp tục đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc (1975 - 1979).
B. NỘI DUNG
I. Đất nước bước đầu đi lên CNXH (1976-1986)
1. Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới
- Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, đất nước ta đã thống nhất, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, cả nước đi lên CNXH.
- Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để chúng ta tiến lên CNXH, đồng thời tiến lên CNXH để bảo vệ độc lập thêm bền vững.
Như vậy độc lập dân tộc và thống nhất đất nước gắn liền với CNXH, con đường đó hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam.
2. Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980) và (1981-1985)
a. Kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976 – 1981)
- Chủ trương: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm (1976-1980) Xây dựng cơ sở vật chất của CNXH,hình thành cơ cấu kinh tế mới,cải thiện đời sống nhân dân.
- Thành tựu:
*Trong khôi phục và phát triển kinh tế.
Phục hồi công, nông nghiệp, giao thông vận tải.
- Nông nghiệp, diện tích gieo trồng tăng lên gần 2 triệu ha, nông nghiệp được trang bị thêm máy móc
- Công nghiệp: nhiều nhà máy được gấp rút xây dựng như nhà máy điện, cơ khí, xi măng..
- Giao thông vận tải được khôi phục và xây dựng mới nhiều tuyến đường. Tuyến đường sắt thống nhất từ Hà Nội đi TPHCM hoạt động trở lại.
*Công cuộc cải tạo XHCN
- Cải tạo XHCN được đẩy mạnh, giai cấp tư bản mại bản bị xoá bỏ..., đại bộ phận nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, thủ công nghiệp và thương mại được sắp xếp tổ chức lại.
*Văn hóa, giáo dục, y tế:
- Xoá bỏ những biểu hiện văn hoá phản động, xây dựng văn hoá mới, hệ thống giáo dục từ mầm non, phổ thông đến đại học đều phát triển, công tác chăm lo sức khoẻ nhân dân được quan tâm.
- Hạn chế
Kinh tế nước ta mất cân đối lớn, sản xuất phát triển chậm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, xã hội còn nhiều hiện tượng tiêu cực...
b. Kế hoạch Nhà nước 5 năm (1981 – 1985)
- Chủ trương: Điều chỉnh, bổ sung những quyết định của ĐH IV, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm (1981-1985). Cải tạo XHCN nền kinh tế quốc dân, ổn định đời sống nhân dân, giảm nhẹ sự mất cân đối của nền kinh tế…
- Thành tựu:
* Nông nghiệp và công nghiệp đã chặn được đà giảm sút, có bước phát triển.
* Xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật:
Hoàn thành hàng trăm công trình tương đối lớn, hàng nghìn công trình vừa và nhỏ.
Dầu mỏ bắt đầu được khai thác, các công trình thủy điện Sông Đà, thủy điện Trị An được xây dựng.
Các hoạt động khoa học – kỹ thuật được triển khai.
- Khó khăn, yếu kém: Những khó khăn yếu kém của 5 năm trước chưa khắc phục được, mục tiêu cơ bản là ổn định tình hình kinh tế - xã hội vẫn chưa thực hiện được.
II. Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc 1975 – 1979
a. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam
- Ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, tập đoàn Khơme Đỏ do PonPot cầm đầu ở CPC, đã tiến hành khiêu khích, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta từ Tây Ninh – Hà Tiên.
- Đầu tháng 5/1975 chúng đánh chiếm đảo Thổ Chu và Phú Quốc.
- Ngày 22/12/1978, 19 sư đoàn tiến đánh Tây Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới Tây Nam nước ta.
- Trước tình hình đó thực hiện quyền tự vệ chính đáng quân Việt Nam kết hợp với lực lượng cách mạng Cam-Pu-Chia, tiến công tiêu diệt lực lương Pôn pốt, ngày 7 – 1 – 1979, PhnomPenh được giải phóng khơme đỏ bị lật đổ.
=> Ý nghĩa: đem lại hòa bình cho biên giới Tây Nam.
b. Cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
- Một số nhà lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ bọn Pôn Pốt nên đã khiêu khích ta ở dọc biên giới phía Bắc. Họ dựng lên sự kiện "nạn kiều", cắt viện trợ, rút chuyên gia.
- Sáng 17/2/1979, Trung Quốc đã dùng 32 sư đoàn tiến công dọc biên giới nước ta từ Móng Cái đến Phong Thổ (Lai Châu).
- Để bảo vệ lãnh thổ, quân dân ta đã kiên quyết đánh trả. Ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc phải rút khỏi nước ta.
=> Ý nghĩa:
+ Giữ gìn hòa bình, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
+ Khôi phục tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác giữa VN - Trung Quốc - Campuchia với tinh thần "khép lại quá khứ, mở rộng tương lai".
C. CỦNG CỐ
Câu 1. Chủ trương của Nhà nước ta sau khi hoàn thành thống nhất đất nước là gi?
Câu 2. Những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được, có hạn chế gì và nguyên nhân do đâu?
Câu 3. Hoàn thành bảng sau:
|
Đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam |
Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc |
Nguyên nhân
|
|
|
Diễn biến
|
|
|
Kết quả
|
|
|
Thực hện: Bùi Thị Thu Hoài
Ban chuyên môn Tuyensinh247.com
HẾT
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021