Cập nhật lúc: 10:00 10-01-2017 Mục tin: Lịch Sử Lớp 12
Xem thêm: LỊCH SỬ VIỆT NAM (1919 - 2000)
CHƯƠNG II – VIỆT NAM TỪ NĂM 1930 ĐẾN NĂM 1945
Bài 14 – PHONG TRÀO CÁCH MẠNG 1930 - 1935
A.MỤC TIÊU
- Biết được những nét chính về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam trong thời kì khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933.
- Hiểu được phong trào cách mạng đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo về các mặt: lực lượng tham gia, hình thức đấu tranh, mục tiêu đấu tranh, qui mô phong trào, so sánh với các phong trào chống Pháp của các tổ chức giai đoạn trước.
- Trình bày được diễn biến chủ yếu của phong trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh.
- Công tác khôi phục sức mạnh của Đảng trong những năm 1932-1935
B. NỘI DUNG
I. Việt Nam trong những năm 1929 – 1933
1.Tình hình kinh tế
Từ năm 1930, kinh tế Việt Nam bắt đầu suy thoái: gạo lúa sụt giảm, ruộng bỏ hoang nhiều; công nghiệp hầu hết bị suy giảm, xuất khẩu đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ.
2.Tình hình xã hội
Cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 làm trầm trọng hơn tình hình xã hội ở Việt Nam:
+Nông dân bị địa chủ cướp ruộng đất, nạn sưu cao thuế năng hoành hành, họ bị bần cùng hoá không lối thoát.
+Công nhân, thợ thủ công bị thất nghiệp, nhiều cửa hiệu phải đóng cửa.
ð Tình cảnh trên làm cho mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc.
II. Phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ – Tĩnh
1. Phong trào cách mạng 1930 – 1931
- Từ tháng 2 đến tháng 4/1930, nhiều phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân đã nổ ra.
- Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên công nhân Việt Nam kỉ niệm ngày quốc tế lao động, phong trào nổ ra ở nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt ở các thành phố lớn.
- Tháng 9/1039, phong trào lên cao nhất ở hai địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh với sự tham gia của hàng nghìn nông dân, có sự tham gia của công nhân.
- Ngày 12/9/1930, nhân dân Hưng Nguyên nổi dậy tiến về thành phố Vinh gương cao các khẩu hiệu “đả đảo chủ nghĩa đế quốc...đòi giảm sưu thuế. Mặc dù bị đàn áp nhưng phong trào vẫn nổ ra mạnh mẽ, hệ thống chính quyền thực dân bị tê liệt ở nhiểu nơi, các xô viết được thành lập.
2. Xô viết Nghệ – Tĩnh
- Trong những năm 1930 -1931, các xô viết được hình thành ở nhiều huyện ở Nghệ An và Hà Tĩnh, nên gọi là xô viết Nghệ – Tĩnh
- Các xô viết thực sự là chính quyền kiểu mới.
+Về chính trị: quần chúng tự do tham gia hoạt động các đoàn thẻ cách mạng, tự do hội họp, các đội tự vệ đỏ và toà án nhân dân được thành lập.
+Về kinh tế: tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân nghèo, bãi bỏ những thứ thuế vô lí.
+Về văn hóa - xã hội: mở lớp dạy chữ quốc ngữ, xoá bỏ mọi nạn xã hội như cờ bạc, rượu, chè...
ð Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao nhất của phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở nước ta, tuy nó chỉ tồn tại được 4 – 5 tháng, sau đó thực dân pháp đàn áp khốc liệt, dìm xô viết Nghệ - Tĩnh trong biển máu. Nhưng, xô viết Nghệ - Tĩnh để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược: dân tộc và dân chủ, về liên minh công nông, về vấn đề thành lập mặt trận dân tộc thống nhất và xây dựng chính quyền mới.
3. Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành trung ương lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam (10-1930)
- Hội nghị họp vào tháng 10/1930 tại Hương Cảng, do đồng chí Trần Phú chủ trì
- Nội dung:
+ Đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng cộng sản Đông Dương
+ Cử Ban chấp hành Trung ương chính thức do Trần Phú làm tổng bí thư
+ Thông qua Luận cương chính trị của Đảng, gồm các vấn đề: Đường lối chiến lược (từ cách mạng tư sản dân quyền tiến thẳng lên cách mạng XHCN bỏ qua thời kì TBCN); nhiệm vụ chiến lược (đánh đổ phong kiến và đánh đổ đế quốc); động lực cách mạng (công nhân và nông dân); lãnh đạo cách mạng (giai cấp công nhân, đội tiên phong là Đảng cộng sản)
* Nhận xét những hạn chế của luận cương 10-1930
+ Chưa thấy rõ mâu thuẫn chủ yếu của cách mạng Đông Dương, không đưa vấn đề dân tộc lên hàng đầu, mà nặng về đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất.
+ Chưa đánh giá đúng khả năng cách mạng của tiểu tư sản và khả năng có thể lôi kéo một bộ phận tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước tham gia mặt trận thống nhất chống đế quốc và tay sai.
+ Từ những hạn chế của Luận cương tháng 10/1930 lại càng thấy được sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong Cương lĩnh đầu tiên, đúng đắn và phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Có thể lấy vấn đề lực lượng cách mạng để làm rõ nhận định này.
4. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của phong trào cách mạng 1930 -1931
a.Ý nghĩa:
- Là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Đảng ta cho cách mạng tháng Tám 1945.
- Khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, khối liên minh công nông hình thành.
- Đảng ta được công nhận là bộ phận của Quốc tế cộng sản
b. Bài học kinh nghiệm:
Bài học về công tác tư tưởng, liên minh công nông, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất và lãnh đạo quần chúng đấu tranh.
III.Phong trào cách mạng trong năm qua 1932 – 1935
1. Cuộc đấu tranh hồi phục phong trào cách mạng
- Cuộc khủng bố trắng trợn của thực dân Pháp đã gây tổn thất lớn cho phong trào cách mạng.
- Năm 1932, Đảng ta nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản tổ chức Ban lãnh đạo Trung ương Đảng.
- Tháng 6-1932, Đảng đưa ra chương trình hành động. Các tổ chức Đảng được hồi phục và củng cố, ban lãnh đạo Hải ngoại được thành lập do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, các xứ ủy Nam Kì, Bắc Kì được khôi phục.
- Năm 1935, các tổ chức Đảng và phong trào cách mạng được hồi phục.
2. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Đảng Cộng Sản Đông dương (3/1935).
- Đại hội được tổ chức tháng 3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc)
- Nội dung:
+ Xác định 3 nhiệm vụ chủ yếu của Đảng trong thời gian sắp tới là: củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi, chống chiến tranh đế quốc.
+ Thông qua nghị quyết, điều lệ Đảng
+ Bầu BCH Trung ương, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng bí thư.
- Ý nghĩa:
+ Đánh dấu một mốc quan trọng: Đảng đã khôi phục được hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương cũng như các tổ chức quần chúng.
C.CỦNG CỐ
1. Hãy nêu nhận xét về phong trào cách mạng 1930 – 1931.
2. Nguyên nhân thuộc về kinh tế dẫn đến sự bùng nổ phong trào cách mạng 1930 – 1931 là:
A. thực dân Pháp áp bức bóc lột nặng nề, thêm vào đó là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 làm cho đời sống nhân dân ta vô cùng cực khổ
B. thực dân Pháp thực hiện cuộc khủng bố trắng
C. Đảng ra đời đề ra khẩu hiệu "Độc lập dân tộc" và "Ruộng đất dân cày"
D. thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai
3. Tính chất cách mạng triệt để của phong trào cách mạng 1930 – 1931 được thể hiện như thế nào?
A. Phong trào đã giáng đòn quyết liệt vào bọn thực dân, phong kiến
B. Phong trào đấu tranh trên phạm vi rộng khắp từ Bắc vào Nam
C. Phong trào thực hiện sự liên minh công – nông vững chắc
D. Phong trào đã sử dụng hình thức vũ trang khởi nghĩa, đã giành được chính quyền ở một số địa phương thuộc Nghệ - Tĩnh và thành lập chính quyền cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh
4. Khẩu hiệu nào được Đảng ta vận dụng trong phong trào cách mạng 1930 - 1931?
A. "Chống đế quốc", "Chống phát xít, chống chiến tranh".
B. "Độc lập dân tộc", "Ruộng đất cho dân cày".
C. "Giải phóng dân tộc", "Tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian".
D. "Tự do dân chủ", "Cơm áo hòa bình".
HẾT
Thực hiện: Bùi Thị Thu Hoài
Ban chuyên môn Tuyensinh247.com
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021