Phong trào giải phóng dân tộc và Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1939- 1945) - Phần 1

Cập nhật lúc: 15:00 12-01-2017 Mục tin: Lịch Sử Lớp 12


Lịch sử đã ghi nhận rằng bước sang giai đoạn 1939 – 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi đã tác động tới cách mạng nước ta. Những cuộc đấu tranh mở đầu thời kì mới đã để lại nhiều bài học và là sự chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa sau đó.

PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ TỔNG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM (1939- 1945) - PHẦN 1

NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA RA ĐỜI.

A. MỤC TIÊU

- Hiểu rõ sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu thông qua nội dung của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11/1939), lần thứ VII (11/1940) và Hội nghị Trung ương Đảng  lần thứ lần VIII (5/1941) là đường lối cách mạng đúng đắn thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Nắm vững công cuộc chuẩn bị, diễn biến, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8/1945.

B. NỘI DUNG

I. TÌNH HÌNH VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM 1939 - 1945

1. Tình hình chính trị

- Tháng 9/1939 Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phát xít Đức chiếm được Pháp, chính phủ Pháp đầu hàng.

- Chính sách của Pháp ở Đông Dương thay đổi: ra sức vơ vét sức người, sức của dốc vào chiến tranh.

- Cuối tháng 9/ 1940 Nhật nhảy vào Đông Dương xâm lược nước ta, Pháp đầu hàng, câu kết với Nhật để cai trị nhân dân ta.

- Bước sang năm 1945, quân phát xít thất bại trên hầu khắp các mặt trận. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng cơ hội đó quần chúng nhân dân sôi sục cách mạng, sẵn sàng tổng khởi nghĩa.

2. Tình hình kinh tế

- Pháp ban hành chính sách kinh tế chỉ huy, vơ vét của cải, nhân lực của nước ta phục vụ cho mục đích chiến tranh.

- Khi Nhật vào Đông Dương, Pháp buộc phải cho Nhật sử dụng các phương tiện giao thông như: đường sắt, tàu biển.

- Quân Nhật cướp đất của nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, thầu dầu phục vụ cho nhu cầu chiến tranh. Một số công ti Nhật đầu tư vào một số ngành phục vụ quân sự, khai thác mỏ sắt, mangan…

=> Nhân dân ta phải sống trong tình trạng “một cổ hai tròng”.

II. PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TỪ THÁNG 9/1939 ĐẾN THÁNG 3/1945

1. Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương tháng 11 – 1939.

- Thời gian, địa điểm:  Tháng 11/1939, Hội nghị Ban chấp hành Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức tại Bà Điểm – Hoóc Môn (Gia Định) do tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì.

- Nội dung:

+ Xác định nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.

+ Tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và địa chủ.

+ Thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa, thay cho chính quyền Xô Viết công, nông, binh.

+ Chuyển từ đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh dân chủ sang lật đổ chính quyền đế quốc và tay sai, từ đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp sang đấu tranh bí mật, bất hợp pháp.

+ Thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương.

- Ý nghĩa: Đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, mọi nhiệm vụ khác phải phục vụ cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

2. Những cuộc đấu tranh mở đầu thời kì mới

a, Khởi nghĩa Bắc Sơn ( 27 / 9 /1940)

Nguyên nhân: Ngày 22/9/1940 quân Nhật đánh chiếm Lạng Sơn, quân Pháp thua to phải rút chạy về Thái Nguyên qua châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội đó, Đảng bộ Bắc Sơn lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa.

- Diễn biến:

+ Đêm ngày 27/9/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân Bắc Sơn đã nổi dậy chặn đánh quân Pháp. Chính quyền địch ở Bắc Sơn tan rã, nhân dân thành lập chính quyền cách mạng. Đội Du kích Bắc Sơn ra đời.

- Kết quả: Pháp – Nhật câu kết với nhau đàn áp khốc liệt khởi nghĩa.

- Ý nghĩa: Mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sau khi Đảng ta chuyển hướng đấu tranh. Để lại nhiều bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, chọn thời cơ khởi nghĩa.

b, Khởi nghĩa Nam Kì  (23/11/1940)

            - Nguyên nhân:

+ Tháng 11/1940, thực dân Pháp và Thái Lan xảy ra xung đột. Thực dân Pháp bắt thanh niên Việt Nam đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Nhân dân ta rất căm phẫn, phản đối việc làm đó của thực dân Pháp.

+ Trước tình hình đó, tháng 11/1940 Xứ ủy Nam Kì quyết định khởi nghĩa, trong bối cảnh lệnh hoãn khởi nghĩa của Trung ương không về kịp.

- Diễn biến:

+ Xứ ủy Nam Kỳ chuẩn bị phát động khởi nghĩa, cử đại biểu ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương .

+ 11-1940 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng  tại Đình  Bảng - Từ Sơn- Bắc Ninh , xác định kẻ thù chính là đế quốc Pháp-Nhật ; duy trì đội du kích Bắc Sơn .lập căn cứ du kích và đình chỉ  cuộc khởi nhĩa Nam Kỳ vì thời cơ  chưa  chín muồi.

+  Kế  hoạch bị lộ nhưng lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đã đến các địa phương, nên khởi nghĩa vẫn nổ ra đêm 22 rạng sáng 23/11/1940.

+ Khởi nghĩa bùng nổ từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ : Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng,  Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Chính quyền cách mạng thành lập ở nhiều nơi, lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng.

- Kết quả: Pháp cho máy bay ném bom tàn sát nhân dân những vùng nổi dậy và bắt nhiều người. Nghĩa quân còn lại rút về Đồng Tháp và U Minh để củng cố lực lượng. Xử bắn nhiều Đảng viên như Nguyễn văn Cừ , Nguyễn thị Minh Khai

- Ý nghĩa:

Cuộc khởi nghĩa đã chứng tỏ truyền thống yêu nước của nhân dân Nam Kì, sẵn sàng đứng lên đấu tranh giành độc lập.

c, Binh biến Đô Lương (13/01/1941)

- Nguyên nhân: Binh lính người Việt trong quân đội Pháp phản đối việc Pháp đưa lính người Việt sang Lào đánh nhau với quân Thái Lan .

- Diến biến:

+ Ngày 13/1/1940 binh lính đồn Chợ Rạng (Nghệ An) dưới sự chỉ huy của Đội Cung đã nổi dậy với mục tiêu chiếm đồn Đô Lương rồi kéo về lấy thành Vinh. Nhưng kế hoạch bị bại lộ, thực dân Pháp kịp thời đối phó.

+ Chiều 14/1/1941 toàn bộ binh lính nổi dậy đều bị bắt. Đội Cung với 10 đồng chí của ông bị xử bắn, nhiều người bị tù đày.

- Ý nghĩa:

Thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân ta nói chung và binh lính người việt trong quân đội Pháp nói riêng.

* Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa của ba phong trào trên:

- Nguyên nhân:

+ Điều kiện tiến hành khởi nghĩa chưa chín muồi, kẻ địch còn đủ mạnh để đàn áp nhanh chóng ba cuộc khởi nghĩa địa phương.

+ Lực lượng khởi nghĩa chưa được tổ chức và chuẩn bị đầy đủ.

- Ý nghĩa:

+ Nêu cao tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam.

+ Giáng một đòn phủ đầu vào thực dân Pháp đồng thời cảnh báo bọn phát xít Nhật.

+ Đây là những tiếng súng báo hiệu cho một thời kì đấu tranh mới của cách mạng Việt Nam -  thời kì khởi nghĩa vũ trang bắt đầu.

+ Để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về khởi nghĩa vũ trang, thời cơ và xây dựng căn cứ địa.

 Bài học kinh nghiệm :

- Bài học vể khởi nghĩa giành chính quyền phải được chuẩn bị chu đáo và đúng thời cơ.

-  Bài học về khởi nghĩa vũ trang, về xây dựng lực lượng vũ trang và chiến tranh du kích , trực tiếp chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám

3. Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị lần thứ 8 ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5/1941).

a. Hoàn cảnh Hội nghị:

- Sau gần 30 năm bôn ba hải ngoại, năm 1941 Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 10 – 19/5/1941.

b, Nội dung Hội nghị:

- Khẳng định nhiệm vụ chiến lược chủ yếu của nước ta lúc đó là giải phóng dân tộc. Đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, mọi nhiệm vụ khác nhằm vào đó mà giải quyết.

- Tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thay vào đó là khẩu hiệu giảm tô, giảm thuế, chia lại ruộng công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng.

- Sẽ thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Thành lập Mặt trận Việt Minh (Mặt trận độc lập đồng minh) thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. (19/5/1941)

- Nhấn mạnh khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân lúc đó.

- Hình thái vận động từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

c, Ý nghĩa

- Hội nghị hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược của Đảng ta, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

- Đề ra nhiều chủ trương sáng tạo, chuẩn bị lực lượng cách mạng cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

* Hội nghị Trung ương 8 đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược và sách lược đề ra từ Hội nghị Trung ương  (11/1939):

+ Giương cao hơn nữa và đặt ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

+ Giải quyết vấn đề dân tộc trong từng nước Đông Dương.

+ Chủ trương tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

 

 

 

 HẾT

                   

Thực hện: Bùi Thị Thu Hoài

 

 Ban chuyên môn Tuyensinh247.com

 

 

 

Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:

Luyện Bài tập trắc nghiệm môn Lịch Sử 12 - Xem ngay

Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021